Huế dường như là vùng đất của thơ văn, không một địa danh nào của Huế lại không gắn liền với thi ca, âm nhạc, với những câu ca dao, những bài hát dân ca và những câu hò trữ tình. Đó là một trong những câu hò trữ tình nổi tiếng xưa nay của Huế, nhắc đến một công trình kiến trúc dân gian cổ : Cầu Ngói Thanh Toàn. Chiếc cầu đặc biệt này xây cách đây hơn hai thế kỷ, được bảo tồn đến ngày nay và được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1990.

49e5fbf6 3a7a0cea 6

Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui.

Cầu ngói Thanh Toàn là câu cầu bắc qua một con sông nhỏ, đoạn cuối của con sông Như Ý, chảy suốt từ đầu làng đến cuối làng Thanh Thủy, thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy ngày nay, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km đường bộ về phía Ðông. Nguyên xưa kia làng Thanh Thuỷ mang tên Thanh Toàn nhưng đến thời Thiệu Trị (1841-1847), Toàn là tên húy của vua, triều đình bắt dân làng phải đổi tên Thanh Toàn ra Thanh Thủy. Làng Thanh Thuỷ được lập ra vào thế kỷ XVI, do 12 vị tộc trưởng đầu tiên của làng từ Thanh Hóa đi theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa khai phá ra làng này. Sau này một số dân làng Thanh Thủy di chuyển đi vào gần kinh thành Huế sinh sống trên vùng đất Thủy Dương (cửa ngõ phía nam thành phố Huế ngày nay) cũng lập nên làng mới lấy tên là Thanh Thủy Thượng, còn làng Thanh Thủy tại xã Thủy Thanh ngày nay vẫn được gọi là Thanh Thủy Chánh (nguyên gốc) để phân biệt với làng mới sau này.
 

49e5fbf9 56ee5f00 7
Cầu ngói Thanh toàn...

pho-co-hoi-an-3
... và Cầu Chùa - Hội An

Tương truyền cây cầu do một người cháu gái 6 đời của một trong 12 vị tộc trưởng sáng lập ra làng ấy, là Trần Thị Ðạo. Bà kết hôn với một vị quan thuộc vào hàng đầu triều dưới thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) nhưng không có con. Để cầu tự, Bà đã làm phước bằng cách bỏ tiền xây dựng chiếc cầu gỗ ấy cho dân làng hai bên qua lại được thuận tiện, khỏi phải dùng đò ngang, cũng để cho lữ khách cùng những người tha phương cầu thực tạm dừng chân khi lỡ bước, cho dân làng đến ngồi nghỉ ngơi, hóng mát trong những buổi trưa hè, hay vào những đêm trăng thanh gió mát.

49e5fbfc 08ceeca8 8
Cây cầu là nơi nghỉ mát của mọi người

Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ, có chiều dài 17m và chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian. Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu). Đây là loại cầu hiếm hoi và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu Việt Nam. Vào nửa đầu thế kỷ XX, ở ngoài Bắc có hai chiếc cầu nổi tiếng thuộc loại này là cầu Phúc Toại và cầu Phù Khê, còn ở miền Trung thì chỉ có cầu ngói Thanh Toàn ở Huế và Chùa Cầu ở Hội An mà thôi, nhưng mái ngói cầu ngoài Bắc thì lợp ngói liệt, còn mái cầu ở miền Trung đều lợp bằng ngói ống.
Năm Cảnh Hương thứ 37 (1776), vua Lê Hiển Tông đã ban cho làng Thanh Toàn một tờ sắc khen ngợi bà Trần Thị Ðạo và miễn cho làng nhiều loại sưu dịch để họ nhớ đến công ơn và noi theo tấm gương tốt của bà. Và từ xưa đến nay, dân làng vẫn thờ phụng ở ngay gian giữa trên cầu, vẫn cúng tế trọng thể bà hàng năm như một lễ hội định kỳ. Tại mỗi kỳ Festival Huế, tại xã Thủy Thanh đều làm lễ rước linh vị bà Trần Thị Đạo, lễ rước này là nghi thức mở đầu cho ngày khai mạc "Chợ quê ngày hội", một trong những chương trình văn hóa - du lịch trong khuôn khổ Festival Huế.

1109To05L
Tái hiện cảnh xay lúa, giã gạo tại hội chợ quê Cầu ngói Thanh toàn

Mang đậm vẻ xưa bình dị, mộc mạc, chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn được tái hiện qua cảnh buôn bán tấp nập của phiên chợ vùng nông thôn ở Huế. Những đứa trẻ say sưa với những con tò he đầy mầu sắc, những thiếu nữ thích thú với các món chè Huế, xa xa là tiếng bễ rèn, tiếng hát bài chòi văng vẳng...Bên cạnh đó là những trò chơi truyền thống như bài chòi, bịt mắt bắt dê, chọi gà...vốn gắn bó với người dân quê từ khi còn nhỏ, tái hiện đời sống, sinh hoạt nông thôn như xay lúa, giã gạo, đan lát...

1109To06L
Những trẻ em vùng quê ngắm nhìn những con tò he

Qua mỗi kỳ Festival, chợ quê cầu ngói Thanh Toàn đã trở thành một điểm du lịch đồng quê được nhiều du khách chọn lựa, nhất là du khách nước ngoài vô cùng lạ lẫm với không gian đồng quê Việt Nam.  Đến đây du khách được tự tay mình xay bột, học làm bánh Huế, hay chèo đò dạo chơi sông.... tư đó tìm thấy được nét quê xưa ở cái mát trong của hương lúa vào vụ, ở vị của những món ăn làng quê Cố Đô và ở vẻ đẹp văn hóa tinh thần nơi làng quê Huế xưa nằm trong vẻ nhộn nhịp của lối sống hiện đại.

Nguyễn Văn Liêm

 

 {module 26}

NSUT HỒNG VÂN diễn ngâm THƠ THANH THỦY
ĐỌC THƠ THANH THỦY
ĐÌNH LÀNG THANH THỦY
DIỄN ĐÀN THÂN HỮU