Kính thưa hương hồn Ba,
 
0410
 
Thế là Ba đã theo mẹ đích của con và các dì về cõi vĩnh hằng. Ở nơi xa xôi đó con mong Ba được gặp lại mẹ và các dì, sống yên vui hạnh phúc trong vùng lạc cảnh.
 
Ba ra đi sau hơn 4 tháng sức khỏe giảm sút đột ngột vì tuổi già, sau những cơn khủng hoảng tâm lý vì sự bất lực của mình trước định luật tuần hoàn của một đời người.
 
Sinh thời Ba có nhiều khát vọng muốn làm nhưng đã không thực hiện được. Tuy nhiên, cũng giống như bao kẻ hào kiệt khác, không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ chứ không khoanh tay ngồi nhìn hay than thở.
 
Thời thơ ấu con chỉ gặp Ba có vài lần. Khi đến tuổi trung niên thì gặp nhiều hơn và hiểu được một phần cuộc đời của Ba, con đã phần nào cảm thông với những gì Ba đã làm.
 
Mười năm trước đây, ngày đó Ba còn khỏe mạnh lắm, hai Bố con mình  ăn tô cháo cá trong quán tre bên bờ sông sóng vỗ, Ba tâm sư thật nhiều và con hiểu Ba nhiều hơn nữa, nhớ lại mà giọt lệ nghẹn ngào rưng rưng. Cũng là mùa thu, mùa thu năm xưa Bố con bên nhau, mùa thu này  Ba đã ra đi vĩnh viễn rồi:
 
Một tô cháo cá cuối chiều thu
Giường tre, quán lá gió vi vu
Bố con chia sẻ vui tâm sự
Sóng vỗ nhẹ bờ, tiếng nhạc ru *1
 
Ba sinh năm 1925, thuở nhỏ ở làng Thanh Thủy Thượng với Ông Bà Nội, sau đó chỉ sống với Bà Nội khi Ông Nội vào Nha Trang lập nghiệp. Thuở ấu thơ, Ba được ông Nội cho đi học ở Trường Quảng Đức, cách nhà khoảng 5km, đã trải qua 3 kỳ thi sơ học, nhưng khi Ông Nội kinh doanh gặp rủi ro, tài sản phải bán hết, Bà Nội bị bệnh nặng rồi đến Ông Nội mất, Ba đã sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều lúc thiếu cơm ăn áo mặc, phải xin học nhờ rồi sau đó buộc phải nghỉ học. Năm 1937, mới 12 tuổi Ba phải lang thang kiếm sống, khi thì làm công nhân ở vùng rừng núi Khe Sâu ở Nam Đông khi thì học và làm nghề hớt tóc tại Huế. Thuở nhỏ, nhờ học chữ Hán qua tập Kinh Thi cổ Trung Hoa, nhờ đọc sách báo, thấm đẫm văn thơ tiền chiến, lại có năng khiếu thơ văn, Ba đã có những bài thơ khí khái, trữ tình tiêu biểu của lớp thanh niên tiền chiến có học thức thời bấy giờ, làm cho nhiêu cô gái say đắm sẵn sàng theo về làm vợ dù rằng Ba đã có một gia đình yên ổn do Bà Nội sắp đặt, cưới xin chính thức.
 
Trong thời kỳ đấu tranh với thực dân Pháp, Ba đã từng tham gia Việt Minh chống Pháp, đã có những trận đánh hào hùng, đã nhiều lần bị thương, đã từng bị tù, bị biệt giam ở Lao Thừa Phủ. Có rất nhiều câu chuyện kể về khí phách của Ba như đã từng đá ngã một tên lính Pháp khi hắn ăn hiếp một người dân thường ở chợ.
 
Hòa bình lặp lại, do bà Nội già yếu cần Ba ở gần, Ba đã không tập kết ra Bắc mà ở lại Huế và bị động viên tham gia quân đội miền Nam. Tuy không có bằng cấp nhưng khi thi vào Ba đã làm các bài thi xuất sắc và được đỗ vào khóa sĩ quan Thủ Đức lúc đó. Thời binh nghiệp Ba đã làm ủy viên quân sự (tương đương quận phó) ở một huyện tại Buôn Ma Thuộc. Ba đã tích cực vừa làm việc vừa học thêm Anh Văn để có thể nói chuyện được với các cố vấn Mỹ. Ba kể trên bàn làm việc của Ba luôn có cuốn sách tiếng Anh mở sẵn để học và tập đọc từ vựng.
 
Đó là một thời kỳ khốc liệt. Ba kể hằng đêm, sau khi bố trí binh lực tại nơi đồn trú, Ba dẫn quân đi đến một nơi khác để tránh bị tấn công hay pháo kích. Ba đã từng chứng kiến những cảnh vào sanh ra tử nơi chiến trường, các sĩ quan mới đáo nhậm đơn vị thay thế mình đã chết tức tưởi , thịt nát xương tan vì trận đột kích chỉ sau vài giờ bàn giao nhiệm vụ. 
 
Trong thời gian tại ngũ, cấp bậc cao nhất của Ba chỉ là thiếu úy vì đã rất ngang tàng trong cuộc sống, không chịu nể sợ ai. Ba kể đã từng tát tai một đại úy cấp trên gãy xương mặt vì ông này ngang ngược. Tính khí như vậy đã khiến Ba không được cử đi Mỹ học khóa sĩ quan đặc biệt và đã không được thăng cấp thời đó.
 
Rồi trong một lần nhận nhiệm vụ chở quân nhu, đoàn xe của Ba bị phục kích. Ba bị thương cụt mất 2 ngón tay phải, làm việc một thời gian rồi giải ngũ.
 
Rời khỏi quân ngũ Ba đã chọn ở lại Buôn Ma Thuộc khai khẩn đất hoang vùng Tây nguyên. Ở đó Ba đã có nhiều hecta đất, đã có một vụ mùa thu hoạch trái cây trước ngày giải phóng. Ba đã dựng một tòa nhà to bằng gỗ ở Buôn Ma Thuột, ngay giữa đồn điền của mình. Ba cũng đã tạo lập một ngôi chùa cạnh đó. Chắc trong thâm tâm Ba muốn sau này đây sẽ là nơi tập hợp con cái của Ba đến chơi hay ở lại.
 
Thế rồi do thời cuộc, không thể tiếp tục sự nghiệp, Ba buộc phải rời miền đất đẫm bao nhiêu mồ hôi nước mắt ấy để ra đi tìm đường sang xứ khác để làm ăn. Đất nước mà Ba dự định chọn để đến định cư là nước Úc vì đây là vùng đất lý tưởng để khai khẩn. Ba mong có thể tạo lập một đồn điền trồng cây nông nghiệp và công nghiệp, làm lại sự nghiệp đang còn dang dở ở Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên 7 lần vượt biên bất thành, lần thì bị bắt, lần thì trốn được đã đưa Ba trở thành người bán thuốc lá lẻ bất đắt dĩ hàng ngày ở Chợ Lớn.
 
Có lẽ những ngày ngồi giữa chợ búa, sau những suy tưởng về nhân sinh, lẽ đời, nguồn cội, Ba quyết định về Huế với người vợ cả (mà chúng con thường gọi là mẹ đích) ở Bãi Dâu, nơi Bà Nội đã từng ở và mẹ đích đang sống. Khi về Ba đã đem hai con trai út về đây, một ở với Ba và một một cho đi học nghề rồi quay trở lại Sài Gòn sống với mẹ ruột.
 
Rồi Ba quyết định cùng với mẹ đích về quê (làng Thanh Thủy Thượng) làm nhà mới để sống trong tuổi già. Ở đây Ba tham gia vào việc họ, việc làng. Công trình của Ba đã được làng họ ghi nhận, Ban Quản tộc Họ Lê Viết đã đến viếng Ba, đã đọc điếu văn tổng kết lại rất cô đọng mà đầy đủ những đóng góp của Ba cho dòng họ.
 
Ba quan tâm đến họ tộc cho đến cuối đời. Ba đã từng di nguyện khi mất, sẽ dùng khoản tiền phúng điếu từ những người quen biết Ba (không phải của con cháu) đưa vào quỹ khuyến học của Họ.
 
Sau ngày mẹ đích mất, dù đã có người giúp việc, nhưng do sống một mình, thiếu sự chia sẻ về công nghệ, văn hóa và tinh thần cho nên, một thời gian sau, theo lời mời của người con dâu lớn, Ba đã đồng ý chuyển từ làng quê lên thành phố ở với gia đình người con trai thứ tư.
 
Khi lên ở tại nhà gia đình con, Ba thường sinh hoạt, nghỉ ngơi tại căn phòng riêng của mình. Ba thích ăn riêng, sống một mình, ít thích giao tiếp. Lúc đầu Ba hay ra đường vào mỗi buổi sáng, đến công viên tập thể dục, làm quen với nhiều người gặp trên đường nhưng sau đó do sức khỏe yếu, Ba thường tập thể dục ở nhà. Hàng ngày Ba nghe đài, làm thơ. Ba tham khảo sách vở, tài liệu, tự thiết kế cho mình một thực đơn ăn uống kiêng khem nhằm đảm bảo sức khỏe người già, chẳng hạn các món ăn thiên nhiều về ngũ cốc, không ăn hải sản, thịt đỏ và nghiêm túc dặn dò con dâu nấu nướng theo các thực đơn đó cho đến cuối đời. Hàng đêm, khi thức dậy sớm, Ba đã kiên trì tập dịch cân kinh trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Có lẽ nhờ giải pháp ăn uống, tập luyện, dùng thuốc hợp lý và cả vô lo nữa mà Ba có một sức khỏe tốt, thọ hơn nhiều so với các bạn bè của mình. Mỗi lần cảm thấy cơ thể có triệu chứng khác thường ba đều thúc con đưa đi bệnh viện. Tuy nhiên phần lớn các bác sĩ khi thăm khám, cho làm các xét nghiệm đều trầm trồ khen Ba có các thông số y tế hết sức tốt ở lứa tuổi này. Ba đã từng hãnh diện vì tuổi thọ của mình, từng hy vọng sẽ qua được tuổi 100, một mốc sống phi thường của người xưa, thậm chí có lúc còn ý thức dự phòng mình sống lâu hơn con cái nữa.
 
 
BA2019
 
DCK
 
Những ngày sống trong tuổi già, Ba đã từng hãnh diện vì mình có những bài thơ để lại cho đời và đã từng nhắc lại câu nói của nhiều dân tộc ở Châu Âu: Một người đàn ông nên để lại cho đời một cuốn sách. Thời gian sau này biết mình không còn minh mẫn nữa Ba thường nhờ con đọc lại các bài thơ Ba vừa viết để nhận xét, biên tập lại trước khi công bố. Khi thảo luận với Ba, con biết Ba thuộc rất nhiều điển tích cổ cùng các câu thơ xưa của Trung Hoa. Ba đã làm rất nhiều bài thơ về nhân sinh, thế sự. Anh Hà, người con rể đầu của Ba, đã in cho Ba nhiều tập thơ mang tên Thanh Thủy Thi tập, trong đó Thanh Thủy là bút danh của Ba, đã viết lời giới thiệu và đặc biệt tạo ra một website Thanh Thủy Thư quán trên Internet để giới thiệu thơ Ba và các hoạt động của Ba.
 
 
Trong một lần tổ chức giới thiệu những người cung nữ cuối cùng của Triều Nguyễn (mà mẹ đích là một trong số đó), Ba đã làm một bài thơ tặng mẹ, đọc trên sân khấu của của tòa nhà nơi con đang làm việc, lúc đó là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2012. Nghệ sĩ ưu tú Hồng Vân, đang tham dự hoạt động này lúc đó, cảm nhận vẻ tinh tế của những câu thơ viết về vợ của một ông già gần 90 tuổi đã tình nguyện lên ngâm lại bài thơ mà ông vừa đọc. Sau đó trong một lần gặp khác, khi nghe con kể về Ba, Nghệ sĩ Hồng Vân có nhã ý muốn ngâm các bài thơ khác của Ba, tập hợp thành một album thơ và con đã chuyển cho cô ấy tuyển tập thơ Thanh Thủy của Ba để Cô chọn ra 5 bài thơ ưng ý để ngâm. Những bài thơ của Ba đã trở nên lung linh trên Thanh Thủy Thư Quán nhờ giọng ngâm tài năng của Cô.
 
Sinh thời Ba là một người sống và hành xử nghiêm túc khiến người chung quanh và con cái trọng nể. Ba có quan điểm cứng rắn, giữ vững lập trường của mình đến phút cuối cùng. Ba muốn duy trì ngôi nhà ở Thủy Dương như là một nơi thừa tự chính thức của gia đình. Ba đã di chúc lại cho con đứng tên quản lý cái nhà ở Thủy Dương như một từ đường. Con đã quyết tâm làm điều đó để Ba chứng kiến khi còn sống nhưng dù rất tích cực nhưng do phức tạp về thủ tục vì mẹ đích đã mất nên vẫn chưa làm được. Sau khi họp với Phường Thủy Dương về việc giải tỏa một số diện tích nhà để mở rộng đường trước nhà, con đã có bàn với Ba sẽ xây dựng trên diện tích đất còn lại một từ đường đúng nghĩa với một kế hoạch phát triển lâu dài, Ba rất vui. Con và Ba đã đồng ý rằng do có nhiều dòng con cháu, cần phải có một từ đường chung để các con cháu có chỗ mà hành hương về cội nguồn. Sau nhiều đời nữa, các con cái, cháu chắt của Ba cũng có dịp quy tụ về đây để được phụng thờ lâu dài theo nghi thức truyền thống. Nhà thờ còn là nơi lưu giữ gia phả, các vật kỷ niệm, là một bảo tàng của gia đình mình như là một cành của Nhánh 2 Chi 3 Họ Lê Viết.
 
Ba nhắc nhở con cái sống với đạo hiếu, thờ cúng tổ tiên nghiêm túc. Ba lưu ý việc tổ chức cúng kỵ, tu bổ nhà thờ và mồ mã. Khi trở lại Huế sau 18 năm làm việc ở Hà Nội, con đã rất ngạc nhiên khi Ba đã chủ trì quy tập, xây dựng lại đầy đủ mồ mã của ông bà sơ, cố, ông, các bà cô và những người trong họ tộc thuộc nhánh cành của mình. Ba đã đã kiên trì trong nhiều năm, huy động tiền đóng góp của các con cái ở xa, bà con họ hàng, người thân vào việc hiếu đạo. Những ai giúp Ba tiền, Ba đều dành hết cho việc tu bổ mồ mã chứ không hề tiêu xài cho mình hay cho riêng bất kỳ một người con nào. Ba có ý thức về việc tạo dựng một quỹ thờ cúng trong gia đình, tìm cách đầu tư, cho vay mượn hay gửi ngân hàng nhằm làm cho quỹ có thể sinh sôi nẩy nở, duy trì lâu dài nhằm bảo đảm việc thờ cúng tổ tiên luôn được duy trì, ổn định.
 
Với những đứa con đã trưởng thành Ba yên tâm, thúc đẩy. Riêng với những đứa con còn nhỏ hay gặp hoàn cảnh khó khăn, Ba đã chăm lo chu đáo từ chuyện học nghề cho đến nhà cửa.
 
Thời gian sau này, khi biết mình không tiếp tục làm thơ được nữa, Ba rất buồn, hàng ngày mở Youtube để nghe các bài bình luận thời sự, lấy đó làm niềm vui. Con cái có việc của mình, khó có thời gian để chia sẻ nhiều với Ba. Ba sống trong lặng lẽ, cô độc, một phần do hoàn cảnh, một phần cũng do cách sống không muốn giao tiếp của Ba. Sự cô đơn đó có một lần thể hiện trong hai câu thơ của Ba làm con rất xúc động:
 
Cô quạnh đêm khuya hình với bóng,
Một mình đi lại một thành hai. *2
 
Những ngày cuối đời, Ba thật buồn. Thấy Ba buồn, con cũng rất  buồn.
 
Ba không thể đứng vững trên đôi chân yếu ớt của mình nữa .Mắt Ba không còn thấy rõ, hình ảnh Ba nhìn thấy chỉ là nhạt nhòa. Tuy khoa học có những bước tiến trong chiếc hài vạn dặm nhưng không có một cặp kiếng mắt nào có thể tăng cường thị lực cho người già gần trăm tuổi như Ba để Ba có thể đọc báo , xem tin tức, nhìn rõ con chàu bên cạnh mình. Tóc của Ba đã bạc phơ, giờ đây lực chẵng còn tòng tâm nữa rồi. Hình ảnh Ba nằm bật động là hình ảnh trong tương lai của bất cứ một người nào sống trên đời đến tuổi già nua gần đất xa trời phải là như thế, có chăng chỉ là những thở dài...
 
Sinh ly tử biệt là như thế
Biết thế mà sao lệ vẫn trào *3
 
Trước giờ chia tay Ba vĩnh viễn con có ít dòng như vậy để chia sẻ với các anh chị em, với bà con họ hàng những hiểu biết và cảm xúc của con về Ba. Chốc nữa một số anh chị em của con sẽ có những câu chuyện bổ sung khác. Con mong Ba hãy an lòng rằng, mong muốn của Ba muốn đóng góp nhiều hơn cho họ tộc, muốn có một từ đường gia đình, muốn duy trì quỹ thờ cúng, tu bổ mồ mã và từ đường mà Ba đã lập ra sẽ được chúng con thực hiện đầy đủ và nghiêm túc vì đó cũng là lẽ thường của con người là phải nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, phải nhớ rằng “cây có cội, nước có nguồn” như Ba đã từng nói.
 
Con kính mong Ba được yên nghỉ ở chốn vĩnh hằng.
 
Con trai Lê Viết Dũng.
 
7f0d399a95b12468439de3250f92b892

 

NSUT HỒNG VÂN diễn ngâm THƠ THANH THỦY
ĐỌC THƠ THANH THỦY
ĐÌNH LÀNG THANH THỦY
DIỄN ĐÀN THÂN HỮU